Thứ Hai, 9 tháng 3, 2009

Cambodia huyền bí


Banteay Srei là một trong những cụm đền xây bằng gạch đẹp nhất trong quần thể kiến trúc Angkor, nằm cách Siem Riep hơn 20 km. Được xây vào nửa sau của thế kỷ X, Banteay Srei nổi bật trên nền núi rừng xanh thẳm của Cambodia với màu gạch đỏ hồng như đá sa thạch đỏ không hề bị rửa trôi màu theo thời gian. Không những vậy, kiến trúc của ngôi đền thật hoàn hảo đến từng milimét với các tỉ lệ cân đối của mỗi ngọn tháp và cách bố cục trong toàn thể cụm đền. Đi dọc theo 32 cây cộc đá nằm cân xứng lối vào cổng chính của đền, ta sẽ bước vào một quần thể kiến trúc có một không hai trên thế giới, khiến người ta khó chọn lọc được những ngôn từ có thể lột tả hết vẻ kỳ vĩ và cảm xúc của con người khi đứng trước những cụm kiến trúc trong quần thể Banteay Srei. Khách tham quan chỉ có thể đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, kể cả những cụm kiến trúc đã ngả nghiêng, thậm chí đổ nát, hoang tàn bởi sự tàn phá của thời gian, thiên nhiên và con người.
Điều đặc biệt nhất ở quần thể kiến trúc này là những hoa văn tuyệt mỹ được điêu khắc bằng gạch hoàn hảo và mềm mại đến độ nếu có thể dùng một chiếc bút lông có đầu thật mịn với một loại mực tốt nhất thì cũng khó có thể vẽ được trên loại giấy lụa mềm nhất một bức tranh mềm mại và duyên dáng hơn. Bantey Srei khiến người ta kinh ngạc tột độ trước bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, đến nỗi khó mà tin rằng những kiệt tác ở đây do con người tạo nên.
Chủ đề của quần thể kiến trúc này lấy từ sử thi Ramayana và Mahabharata, kết hợp với các vị thần trong Bàlamôn giáo và Phật giáo. Đó là một thiên sử thi tạc bằng gạch hoàn hảo như một bản sônát đến nỗi người ta không thể tách biệt sử thi và tôn giáo, anh hùng và thần thánh, Bà la môn và Phật giáo. Trong đó, Hanunan trở thành người giữ cổng chùa và Apsara nhảy múa trên những đóa hoa sen mà đài sen là nơi Phật ngồi thiền định, dưới chân đài sen là thần Shiva già đang chìm đắm trong dòng suy tưởng ... ác quỷ Ravana cùng với Makara uốn lượn khắp các bức tường, Vishnu đang nhiệt thành quấy biển sữa trong khi Shiva thảnh thơi đi dạo trên mình thần Nandi và Braman đang thong thả cùng với con ngỗng trời huyền diệu của mình.
















































Cỏ cây chen đá, lá chen linga



Linga được tạc ở khắp mọi nơi trong lòng suối



Thần Vishnu được tạc trong lòng suối ngàn linga



Kbal Spean, một trong những khu di sản đẹp tuyệt của thời kỳ Angkor, được xây vào thế kỷ XI - XII, nằm cách Siem Riep khoảng 40 km đi qua toàn những khu rừng cọ tuyệt đẹp. Khu di tích này nằm xa trung tâm lại chưa tháo gỡ hết bom mìn thời chiến, cũng chưa mở đường nhựa nên khách du lịch ít tới tham quan. Mình đã phải thuê riêng 1 bác xe ôm chở mình đi xuyên qua những khu rừng cọ và những con đường đất đang mở bụi mù, đến nỗi khi đến nơi, bộ quần áo trắng của mình chuyển sang màu hồng của bụi. Lại thêm bác tài xế không dặn mình mua vé trước nên đến nơi bảo vệ không cho vào dù mình năn nỉ đứt cả hơi và đề nghị trả tiền vé ngay tại chỗ, báo hại mình phải đi thêm hơn 40km quay trở về cổng của Angkor Vat ở Siem Riep để mua vé lại. Lúc quay lại thì đã gần trưa, nắng ơi là nắng. Bác tài chờ ở dưới chân núi còn mình leo núi một mình. Từ chân núi đến khi di tích khoảng 1000m đường leo núi, đi qua cả một khu rừng già với những rễ cây to dài như những con trăn Châu Mỹ cuốn khắp mọi nơi. Cảnh vật yên ắng đến nỗi mình nghe thấy cả bước chân của mình, và đôi khi phải tự trấn an mình để vượt qua nỗi sợ hãi đập thình thịch trong lồng ngực. Thỉnh thoảng mới có một người khách nước ngoài đi qua và ngạc nhiên nhìn mình thật nhỏ bé (mình có cảm giác mình thật nhỏ bé như một nhân vật chú bé tí hon trong truyện của Andescen khi so với họ và cả so với khu rừng nữa). Họ hỏi mình từ đâu tới rồi nói vài lời khuyến khích mình đi lên tiếp ...
Qua khu rừng nhiệt đới đầy bí ẩn và những con đường vòng quanh núi mà cỏ cây còn xanh đẫm nước mưa, mình đã lên đến nơi, dòng suối ngàn linga, kiệt tác của thời kỳ Angkor. Và tất cả nỗi mệt mỏi, sợ hãi, sự dũng cảm ... đã được đền bù thật thỏa đáng. Khi những bước chân của mình ngập trong dòng nước mát lạnh của con suối ngàn linga thiêng liêng và kỳ vĩ, mình thấy mình như chạm vào thế giới thần tiên, như mình đang đi trong dòng sông lịch sử, như mình xuôi dòng nước lịch sử trở về thời kỳ thế kỷ XI - XII, như mình là một nữ hoàng của Angkor đang được tiến hành nghi lễ thanh tẩy trên dòng suối linh thiêng ... mà chỉ có những tầng lớp cao quý nửa người nửa thần mới được có cái vinh dự được chạm tới.



Sư tử canh giữ cửa các đền đài, cung điện, đi theo từng cặp Đực - Cái, nhìn oai vệ và uy nghi nhưng vẫn không giống sư tử lắm - Có lẽ do Campuchia không có sư tử nên các nghệ nhân chỉ điêu khắc qua lời mô tả...



Thần Nandi, vật cưỡi của thần Hủy diệt Shiva ở Campuchia, phong cách điêu khắc có khác với Nandi ở Ấn Độ. Cái gù ở trên lưng hơi to làm người ta có cảm giác đây là con bò kéo xe chứ không phải vật cưỡi của các vị thần. Tư thế ngồi cũng xấu hơn vị thần Nandi mình từng thấy ở Ấn Độ. Nhìn vị thần Nandi này có vẻ vất vả và khổ cực quá chứ không thong dong và nhàn hạ như Nandi của India



Angkor Thom soi mình dưới mặt hồ. Những tháp mặt người vươn lên trời xanh khiến người ta cảm thấy bóng dáng của các vị Thần hiện diện khắp mọi nơi.






Hồn của đá



Những lời nhạc phát ra từ đá của các sử thi anh hùng thời kỳ Angkor. Chạm tay vào quá khứ có lẽ là cảm giác thật nhất khi chạm vào các nét điêu khắc đá có một không hai này.







Những bài ca trên đá, những thiên sử thi vĩ đại bằng hình ảnh trên bức tường Angkor Thom. Có thể đọc lịch sử của Angkor đầy sống động và không chút nghi ngờ qua những bức điêu khắc đá sống động này.

Những vũ nữ - tiên nữ Apsara đá dịu dàng uyển chuyển trên nền của bức tranh đá mềm mại và gợi cảm.


Điêu khắc trên từng centimet, đẹp từng centimet. Những bức tranh kỹ vĩ này tạo nên hồn của đá trong từng centimet kiến trúc của Angkor


Mái vòm và gạch bằng đá lát mái của thư viện ở Angkor Vat.


Linga và Yoni trên Phnom Bakheng với những đường nét điêu khắc cực kỳ tinh xảo và mềm mại



Phnom Bakheng, đỉnh ngắm hoàng hôn đẹp nhất trong quần thể Angkor. Bản thân nó cũng là một quần thể kiến trúc tuyệt đẹp với những tầng tháp chồng lên nhau một cách hài hòa và hùng vĩ, nổi bật lên trên nền xanh của núi rừng Siem Riep. Có hai cách để lên đây, hoặc đi theo đường bộ dài khoảng 3km vòng theo quả núi, hoặc đi bằng voi. Không thể coi là một chuyến đi hoàn mỹ nếu không đến ngắm hoàng hôn ở Bakheng. Vào những buổi chiều mùa hạ có mưa thì mưa bay qua các tháp cổ này cũng là cảnh tượng nên thơ và khó quên.



Gạch Angkor


Những tháp gạch có chân móng được xây bằng đá tổ ong, nhìn thoạt qua thì giống tháp chàm nhưng lại không giống.


Bàn tay các vị thần đeo đầy đồ trang sức, tượng trưng cho sự giàu có và quyền năng





Vị thần kéo rắn ở cổng vào Angkor Thom. Có 4 cổng ở bốn hướng vào Angkor Thom và cổng nào cũng có hai hàng thần kéo rắn Nagar dẫn đầu bởi thần Brahman 4 mặt quay về bốn hướng. Các bức tượng làm cực kỳ sinh động đến nỗi ta có cảm giác như con rắn đang vùng vậy cố chạy thoát trong tay của các vị thần. Cũng có thể nghe được tiếng thở đầy mệt mỏi của các vị thần khi kéo rắn...

Angkor Vat hùng vĩ soi bóng trên mặt hồ Angkor phẳng lặng, một bức tranh bất hủ mà hàng ngàn những nghệ nhân vĩ đại cổ xưa đã tạo ra cho Cambodia. Những cây thốt nốt đầy sức sống vươn thẳng lên nền trời xanh như biểu tượng của sự trường tồn. Đây là một di sản có sức quyến rũ mê hồn ngay từ cái nhìn đầu tiên, sau đó là sự ngưỡng mộ và kinh sợ trước sức sáng tạo vượt quá sự tưởng tượng của những con người cổ xưa. Hơn ở đâu hết, chỉ có Phương Đông mới đem lại cho con người sức sáng tạo vô hạn vượt qua sự hữu hạn của không gian, thời gian, vật chất, tinh thần ... Đứng trước những công trình như thế này, chỉ có thể tròn mắt và thì thào: Incredible.







Cây cổ thụ bao quanh những đền tháp xiêu vẹo với sự tàn phá của thời gian. Hình ảnh này dễ làm con người nuối tiếc, xót xa về một thời quá khứ rực rỡ và hưng thịnh, nhưng cũng là hình ảnh đầy biểu cảm về dấu vết của thời gian mà khó ở nơi nào trên thế giới người ta có thể chiêm ngưỡng hình ảnh đối lập tuyệt vời này.




Khung cảnh đổ nát, hoang tàn này của Preak Ko không những không thể làm lu mờ mà còn làm tăng thêm vẻ đẹp hùng vĩ và huyền bí của những kiến trúc Angkor cổ xưa. Nơi này cũng từng được các đạo diễn Hollywood chọn để quay phim "Bí mật ngôi mộ cổ". Ở ngoài đời, cảnh còn đẹp hơn trong phim rất nhiều.



Tiếc là mình đến biển Hồ muộn quá nên chụp ảnh không được đẹp. Nhưng biển hồ thì tuyệt đẹp. Mình phải bỏ ra đến 20 USD để mua vé cho riêng một con thuyền này đưa mình ra cửa biển hồ. Qua khoảng 10km đầm lầy với các loại cây sú, vẹt mới ra đến cửa biển. Ở đây mình mới thấy rõ nhất cảm giác biển hồ với sóng nước mênh mông trùng điệp trải dài đến hết tầm mắt mà vẫn chỉ thấy đường chân trời nhấp nhô theo sóng nước. Chỉ có vị nước là vị ngọt không giống biển mà thôi. Trăng lên ở biển Hồ là một trong những cảnh đẹp nhất mình từng chiêm ngưỡng. Biển Hồ này là nguồn cung cấp dồi dào các loại thủy sản cho nghề nông nghiệp của Campuchia. Nó là một trong những cái hồ ấn tượng nhất, mênh mông nhất mà mình từng đến, nhưng bên bờ hồ, mình cũng chứng kiến những con người khốn khổ nhất sống bám vào biển hồ lộng lẫy này, tạo ra hai khung cảnh hoàn toàn trái ngược.


Biển Hồ Tonlesap lúc hoàng hôn với các khu làng nổi nghèo nàn, một góc khác hẳn của Siem Riep so với những thành quách, đền đài uy nghi tráng lệ cổ xưa. Người Việt làm nghề chài lưới sống rất nhiều ở khu làng này. Những con người đại diện cho tầng lớp dân nghèo ở Campuchia, thất học và chịu nhiều rủi ro trong cuộc mưu sinh. Cuộc sống của họ từ đời này sang đời khác sống trong những ngôi nhà nổi (là một cái thuyền to hình cái nhà", lênh đênh theo con nước, phụ thuộc hoàn toàn vào sự ban tặng của biển hồ Tonle sap.



Kho đạn dược, vũ khí các loại trong bảo tàng Chiến tranh



Bảo tàng chiến tranh ở Siem Riep. Được xây trên nền của một chiến trường xưa với cách bài trí rất đẹp và tự nhiên, cho khách tham quan cảm giác bước vào chiến trường xưa, với những vũ khí và trang thiết bị chiến tranh được sắp xếp như sắp chuẩn bị cho một trận đánh. Khu di tích này vẫn còn rất nhiều bom mìn được đánh dấu trực tiếp với các bảng hiệu cấm du khách không được bước vào các khu vực này. Người coi bảo tàng cũng là những cựu chiến binh trên các chiến trường xưa, phần lớn họ là thương binh. Đây vừa là một chính sách giải quyết công ăn việc làm cho các cựu chiến binh, vừa tạo ra không khí rất chân thật của bảo tàng thời chiến.




Khuân mặt Makara, giống như một vị thần bảo vệ các công trình, được điêu khắc dày đặc ở tầng dưới bệ đỡ của các công trình.



Hoàng hôn ở Phom Penh nhìn từ sông Bốn mặt



Cây cầu ngàn năm lịch sử, vào loại cổ xưa nhất của Angkor, lan can cầu là Thần rắn Naga với đầu rắn vươn lên tạo thành hai đầu cầu là kiến trúc đặc trưng của Angkor



Khó có người nào không cảm thấy xúc động, căm phẫn và ghê tởm chế độ diệt chủng khi đứng trước hàng ngàn những tấm ảnh của những nạn nhân của Pol Pot bị tra tấn đến chết như thế này trong bảo tàng.




Một số những ngôi mộ của vụ thảm sát còn lại trong ngôi trường. Thật là một đất nước kỳ lạ, bên cạnh những di sản văn hóa văn minh cực kỳ rực rỡ và đáng ngưỡng mộ thì cũng còn cả những di sản khiến người ta rùng mình kinh sợ vì sự tàn sát dã man của con người đối với con người.



Ngôi trường và cũng là bảo tàng sống về nạn diệt chủng ở Cambodia. Mình và Jack đã đến đây trong giờ giải lao buổi trưa của hội thảo .



Cùng với anh bạn Jack là nhà khảo cổ học người Philippines tại hội thảo "Bảo tồn các giá trị di sản văn hóa Châu Á". Jack là một anh chàng dễ mến, là thành viên đầu tiên mình gặp ở sân bay Phnôm Pênh. Hóa ra Philippines không có đường bay trực tiếp đến Cambodia nên anh ta phải quá cảnh qua Việt Nam và đã đi cùng chuyến bay với mình tại sân bay Tân Sơn Nhất đến PhnomPênh. Nhà khảo cổ này cũng cực kỳ chịu khó, không ngại dơ bẩn, thường rủ mình đi chợ để chụp đủ mọi góc độ về cuộc sống và sinh hoạt thường ngày của người dân Cambodia


Bảo tàng quốc gia Cambodia ở Phnom Penh. Nếu có một từ để diễn tả về nó thì đó là từ Hoàn hảo: Hiếm có bảo tàng nào đẹp từ hình thức tới nội dung như thế. Kiến trúc bên ngoài rất "Cambodia" với các mái cong hình rắn Naga, với cụm cây Thốt nốt vươn thẳng trên nền trời xanh, những hiện vật thật 100% được trưng bày với chú thích rõ ràng và đầy đủ. Đi bảo tàng này kỹ một chút thì cần đến một ngày là ít.



Khu làng nổi ở bên kia Quảng trường sông Bốn mặt ở Phnom Pênh. Hình ảnh chợ nổi này rất quen thuộc với các quốc gia sông nước, nhưng chẳng ở đâu hoàn toàn giống nhau cả


Hội thảo đông quá chừng, mình chen chúc mãi mới chụp được hình lưu niệm



Hội thảo "Bảo tồn các Di sản văn hóa ở Châu Á", có thủ tướng Campuchia đến tham dự. Thủ tướng được ưu tiên ngồi riêng ở phía trước, trên bàn có một giỏ phong lan thật đẹp. Ở Phương Đông vẫn không quên dành cho những người lãnh đạo đất nước một vị trí trang trọng đặc biệt.



Ngôi trường đã từng là một trong những trụ sở của Khmer đỏ. Nơi đây đã từng trở thành khu tra tấn tù nhân chính trị và từng xảy ra những đợt thảm sát rất dã man.





Khu đua voi. Bức tường mô tả linh điểu Garuda đỡ ngọn núi



Khung cửa sổ của khu hành lang đền Angkor Vat. Từ khung cửa của quá khứ nhìn ra hiện tại cho ta một cảm giác thật tuyệt vời


Bậc thềm của thư viện. Ngày xưa không biết có ai từng ngồi đây đọc sách viết bằng lá thốt nốt không? Trong thư viện thì mát lạnh nhưng ngoài thềm thì nóng kinh khủng



Một trong những thư viện nằm trên đường vào khu đền chính của Angkor Vat. Có rất nhiều thư viện như thế trong khắp các quần thể ở Angkor được xây đối diện qua những con đường vào đền. Xem ra lòng yêu kiến thức của người xưa vượt trội chúng ta ngày nay, vì vậy họ mới có thể xây được angkor thật vĩ đại.



Cùng với các vị giáo sư người Trung Quốc và Indonesia rất vui tính và uyên bác đi tham quan quần thể Angkor. Đi với họ chỉ một ngày mà học được bao nhiêu điều

Cùng với cô bạn rất dễ mến người Tây Ban Nha và cũng là thành viên của UNESCO về bảo vệ các di sản thế giới công tác tại Campuchia. Tụi mình đang đi dạo bằng du thuyền trên sông bốn mặt ngay tại thủ đô PhnomPênh. Phía bên kia là làng chài, còn gọi là floating village của các ngư dân, có rất nhiều người là người Việt


Hoàng cung Cambodia, nơi gần gũi nhất mà ta có thể chiêm ngưỡng cuộc sống của một vị Vua thời kỳ hiện đại, cũng là một bảo tàng sống với những nhân vật thật. Trong khuân viên của hoàng cung còn có Chùa Vàng, chùa Bạc với những viên gạch lát nền bằng bạc nguyên chất và những pho tượng bằng vàng vẫn duy trì được màu sắc sáng rực qua thời gian. Có thể mua vé vào xem mỗi ngày.


Tranh thủ giờ nghỉ trưa của hội thảo, lên xe Tuk Tuk của Cambodia đi dạo một vòng Phnom Penh. Các bác tài xế ở đây rất hiếu khách và dễ mến...



Hội thảo về Các giá trị văn hóa Châu Á hàng năm đều được tổ chức tại Campuchia, nơi có những di sản vĩ đại có một không ai khiến thế giới phải ngưỡng mộ



Những gốc cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi ở đền Preak Ko, vây phủ các đền tháp cổ tạo ra cảm giác vừa hùng vĩ vừa hoang tàn. Lạc vào đây giống như lạc vào thế giới khác với sự hiện diện của các linh thần và các nhân thần ở khắp mọi nơi. Người xem cũng có thể chiêm nghiệm sức sống đáng kinh ngạc của những công trình do bàn tay con người tạo ra đang ra sức chống chọi với sự tàn phá của thời gian và thiên nhiên


Những tháp mặt người với những khuân mặt thể hiện các cảm xúc phong phú và những nụ cười bí ẩn được vây quanh bởi các hành lang hình của rắn thần Naga. Nếu không tận mắt chiêm ngưỡng công trình tuyệt vời này thì không thể tin rằng con người có thể làm những điều vĩ đại đến như vậy được.




Sân đua voi nằm trong quần thể đền Angkor Thom. Những con voi bằng đá thật hoàn hảo. Nếu ngồi lên nó và chụp từ xa thì cho mình cảm giác giống y như mình đang cưỡi voi trong một cuộc đua ở quá khứ xa xăm




Những bức tường điêu khắc Apsara tuyệt đẹp, khiến trí tưởng tượng của con người vượt xa hơn tất cả những gì ngôn từ có thể diễn đạt.


Tháp xây bằng gạch tổ ong và cũng là stupa. Đằng sau mỗi khung cửa đều chứa đựng một huyền thoại


Sân làm lễ của đền Angkor Vat. Phía sau là khung cửa sổ thời gian, chứa đựng biết bao điều bí mật của gần một ngàn năm trước



Ba ngọn tháp của Angkor Vat. Mỗi một bước đi là một bước đưa ta trở về quá khứ


Bình minh ở Angkor thật thanh bình. Hiếm có nơi nào giữ lại không khí cổ xưa hoang sơ đến như vậy. Nếu không có sự bào mòn của thời gian, thì Angkor vẫn linh thiêng và yên ả như gần một ngàn năm trước đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét